Khí hậu ẩm thấp trong mùa mưa là điều kiện tốt để các loại vi khuẩn, nấm mốc phát triển nhanh chóng. Hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện nên rất dễ mắc các bệnh như sốt xuất huyết, viêm mũi, hen suyễn, các bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa… Để phòng ngừa bệnh cho bé, mẹ cần lưu ý một số điều sau.
Sốt xuất huyết
Mùa mưa, các loại muỗi có điều kiện phát triển nhanh chóng, đây là nguyên nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết ở mức độ nhẹ sẽ gây ra chảy máu cam, chảy máu răng. Mức độ nặng thì gây nôn ói ra máu, tiểu tiện ra máu, xuất huyết dưới da… Nặng nữa thì trẻ trở nên lừ đừ, không tỉnh, chân tay lạnh ngắt, mạch yếu hẳn.
Để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết, mẹ hãy luôn dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, khô thoáng, đậy kín các lu chứa nước, không cho muỗi tới sinh nở ở đó. Trẻ ngủ đêm cần nằm trong mùng. Tránh lạm dụng các hóa chất từ bình xịt muỗi để xua đuổi muỗi khi trẻ còn ở trong phòng, mà nên dùng các loại hương tự nhiên từ vỏ bưởi, vỏ cam.
Cảm cúm
Thời tiết ẩm thấp, mưa gió khiến trẻ rất dễ nhiễm lạnh. Biểu hiện ban đầu là trẻ có thể ho, chảy nước mũi, hắt hơi…
Để phòng bệnh cho trẻ, mẹ nên tránh cho bé ra đường nếu không cần thiết, tránh cho trẻ bị ướt mưa hoặc tắm quá lâu. Ngoài ra, mẹ cũng có thể tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách cung cấp thêm vitamin C, trái cây, uống đủ nước (đối với trẻ lớn) hoặc cho trẻ bú mẹ thường xuyên hơn, mẹ ăn uống đủ chất (đối với trẻ nhỏ).
Bệnh đường tiêu hóa
Điều kiện thời tiết thay đổi liên tục trong mùa mưa dễ làm vi khuẩn, virus tăng nhanh trong không khí nên có thể gây hại đến đồ ăn, khiến trẻ bị các bệnh về đường tiêu hóa, đặc biệt là tiêu chảy.
Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, mẹ không nên cho bé ăn các thực phẩm chưa chín hoặc đã để ngoài không khí quá lâu. Đối với trẻ nhỏ, không nên uống sữa công thức đã quá 2 giờ đồng hồ kể từ khi pha hoặc sữa lạnh. Với các trẻ lớn hơn, mẹ nên hướng dẫn bé rửa tay trước khi ăn, không ăn uống bừa bãi ở dọc đường, vỉa hè.
Các bệnh hô hấp
Để tạo hệ miễn dịch tự nhiên cho trẻ, hạn chế mắc các bệnh hô hấp nói chung, cần cho trẻ bú mẹ từ lúc mới sinh đến ít nhất 12 tháng tuổi. Trong thời gian cho con bú, mẹ cần ăn uống đủ dưỡng chất. Khi trẻ đến tuổi ăn dặm, bữa ăn của trẻ cần có đủ bốn nhóm: tinh bột, đạm, rau, dầu thực vật. Thường xuyên rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý NaCl 0,9%. Cần rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ. Ngoài ra, mẹ không nên cho trẻ nằm điều hòa thường xuyên ở nhiệt độ thấp hoặc quạt máy quay thẳng vào trẻ.
No Comments
Leave a comment Cancel